An Việt Nam
Phật Quốc Tự Nepal

An Việt Nam Phật Quốc Tự Nepal

Ngôi chùa quốc tế đầu tiên trên đất Phật tại Nepal

img

( Lược trích từ chia sẻ của Thầy )

" Mặc dù phần lớn cuộc đời sinh sống ở nước ngoài, nhưng tâm trí tôi thường hướng về quê cha đất tổ và luôn mong ước có được cơ duyên làm được điều gì tốt cho đất nước, để tri ân một đất nước mà tôi đã được sinh ra, để nhớ công ơn cha mẹ, thầy tổ và bạn bè. Đó là lý do tôi đã phát nguyện dồn hết sức xây dựng An Việt Nam Phật Quốc Tự trên xứ Ấn Độ.

Thông thường trong cuộc đời mỗi người chỉ tập trung làm một công trình mà mình yêu thích, bởi vì còn phải dành thì giờ cho nhiều công việc thường ngày . Chẳng hạn đối với riêng tôi là học hỏi thêm, du lịch, chiêm bái các nơi linh địa và mong mỏi được làm việc phúc đức. Thế mà do phước duyên đưa đến, tôi lại có được nhân duyên tốt xây dựng thêm ngôi chùa thứ hai cùng mang tên An Việt Nam Phật Quốc tự tại Lâm Tỳ Ni ở Vương Quốc Nepal, một địa điểm linh thiêng mà bao nhiêu kinh sách đã nhắc đến .

Đây chính là vùng đất của vua Tịnh Phạn ngày xưa , nơi hơn 2600 năm trước Thái tử Tất Đạt Đa thuộc dòng Thích ca đã giáng trần. Hồi ký của Thầy Huyền Trang có ghi lại rằng  vương quốc này có chu vi  chừng 4.000 lý (khoảng 1.880 km), nơi vùng Terrai dưới rặng Hy Mã lạp Sơn  (Hymalaya) hùng vĩ. Vào năm 563 trước công nguyên, khi sắp đến ngày lâm bồn, Hoàng hậu Maya  Devi xin nhà vua cho phép mình rời hoàng cung trở về quê nhà tại vương quốc Devadaha để sinh con đầu lòng theo đúng phong tục và truyền thống xứ này. Khi rời khỏi kinh thành chừng 25 cây số, ngang qua một khu vườn tại làng LâmTỳ Ni (Lumbini), Thái tử Tất Đạt Đa đã giáng trần dưới gốc cây Vô Ưu trong khu vườn xinh đẹp này. Đến năm 250 trước Công nguyên , Hoàng đế A Dục và đoàn tùy tùng khi đến đây chiêm bái đã cho dựng một trụ đá để ghi dấu nơi linh địa này. Thế nhưng sau những biến cố chính trị và tôn giáo qua nhiều thế kỷ, vùng đất thiêng đã chìm dần vào quên lãng.

Vào một ngày đầu xuân năm 1969, lần đầu tiên khi đặt chân đến chiêm bái Lâm Tỳ Ni, tôi thật sự bàng hoàng. Cảnh quan vùng đất thiêng thật điêu tàn, chung quanh trụ đá thánh tích kỷ niệm nơi Đức Phật đản sinh bị người dân địa phương phóng uế bừa bãi. Tôi buồn rầu đi quanh nơi này lòng thầm khấn nguyện, nếu quả thật đây là nơi linh thiêng và đúng là chỗ Phật đản sinh thì xin cho tôi được nhìn thấy thánh địa phát triển trước khi nhắm mắt từ giã cõi đời.

Kể từ đó trong tất cả những lần hướng dẫn môn sinh học hỏi giáo lý nhà Phật, hay trong bài giảng cho các sinh viên  học về Lịch sử Á châu và Bang giao quốc tế, tôi luôn luôn đề cập đến nỗi băn khoăn này. Tôi so sánh Lâm Tỳ Ni đối với Phật giáo chẳng khác gì thánh địa Mecca của Hồi Giáo, Vatican của Thiên chúa giáo , Benares của Ấn Độ giáo hay Jerusalem của Do Thái giáo. Thế mà buồn thay, Lâm Tỳ Ni nay phải chịu cảnh hoang phế điêu tàn.

Một vài anh em trong số những học trò của tôi đang làm việc ở cơ quan quốc tế hoàn toàn chia sẻ nỗi niềm này và âm thầm vận động trong suốt mười mấy năm trời cho ý nguyện làm sống lại thánh địa Lâm Tỳ Ni.

Cho đến năm 1993, việc làm rất tâm thành của các anh chị em thân hữu cũng đạt được kết quả: Quốc Vương Birendra và Chính phủ Vương Quốc Nepal chấp thuận cấp cho tôi mảnh đất tại Lâm tỳ Ni để xây dựng ngôi Việt Nam Phật Quốc Tự thứ hai, mà cũng là ngôi chùa quốc tế đầu tiên nơi Phật Thích ca giáng trần - Huyền Diệu"

Chính điện Nepal

Các công trình kiến trúc của chùa gồm: cổng tam quan, chùa Một Cột, giảng đường, cư xá 108 phòng … và ngôi chánh điện ba tầng uy nghi  vươn cao sau ngọn núi tạo hình Everest đầy tuyết phủ. Chính điện gồm 53 bậc cấp, hai bên là thành bậc chạm rồng, dẫn lên nơi thờ Phật. Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Hương án giữa tôn trí tượng ba vị Phật: Thích Ca Mâu Ni, A Di Đà và Phật Di Lặc. Ban thờ hai bên thờ Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Địa Tạng. Phía trước thờ hai vị Hộ Pháp. Từ chánh điện nhìn xuống cổng chính là một mô hình bản đồ Việt Nam bằng xi măng, khắc lên vị trí của 63 tỉnh thành. Bên trái là một thửa ruộng nho nhỏ với hình ảnh mục đồng ngồi lưng trâu thổi sáo , tái hiện lại khung cảnh bình yên của làng quê Việt Nam.

Mô phỏng chùa một cột – một công trình kiến trúc độc đáo với đường đi vào chùa là 7 lá sen, tượng trưng cho bảy bước chân của Đức Phật khi mới chào đời

Kế bên là mô phỏng ngôi chùa Một Cột – một công trình kiến trúc độc đáo với đường đi vào chùa là 7 lá sen, tượng trưng cho bảy bước chân của Đức Phật khi mới chào đời. Những cảnh vật này dễ làm người xem xúc động và xao xuyến, bởi ở vùng đất Phật xa xôi bạn vẫn thấy ấm áp lòng mình khi cảm nhận được tinh thần và văn hóa Việt Nam hiển hiện qua những hình ảnh rất đỗi thân thương… An Việt Nam Phật Quốc Tự là ngôi chùa nổi tiếng mang nét kiến trúc Việt Nam và Á Đông tại thánh địa Phật giáo thế giới.

Đại Hồng Chung

Trong thời gian xây dựng ngôi chùa Việt Nam tại quốc gia này, thầy Huyền Diệu đã vận động các mạnh thường quân xây cho dân làng ở Lâm Tỳ Ni một cây cầu bắc qua sông – không chỉ góp phần thuận tiện cho việc đi lại của người dân nơi đây mà còn là cây cầu giúp người dân vượt lũ, đảm bảo sự an toàn cho biết bao sinh mạng trong mùa mưa bão . Thầy kể, cầu xây ước chừng 35.000 USD, thế nhưng tấm lòng của phật tử khắp nơi trên thế giới gửi về ủng hộ đến hơn 90.000 USD. Sau khi cây cầu khánh thành, số tiền thừa được thầy gửi trả lại cho từng người với lời tri ân tấm lòng họ đã đóng góp, giúp đỡ cho người dân Nepal. Trong thời gian ở Lâm Tỳ Ni, thầy còn vận động người dân quanh vùng bảo vệ chim hạc là giống chim quý hiếm đã được ghi vào Sách Đỏ. Nhờ vậy mà hồng hạc Himalaya về vùng đất này ngày càng nhiều, đến nay đã được gần 80 con. Chỉ với đôi bàn tay trắng và sự giản dị, tấm lòng thương yêu mà thầy Huyền Diệu đã làm nên biết bao mầu nhiệm diệu kỳ…

Cây cầu Thầy kêu gọi xây dựng giúp dân làng

Sau một thời gian nỗ lực của thầy cùng với sự phát tâm của phật tử khắp nơi trên thế giới, chùa đã tổ chức thành công Đại lễ hoàn nguyện An Việt Nam Phật Quốc Tự, Lumbini vào lúc 12 giờ 12 phút 12 giây ngày 12 tháng 12 năm 2012 với sự tham dự của chính quyền Nepal và các đoàn đại biểu Phật giáo của nhiều quốc gia trên thế giới. Đến nay, chùa thường xuyên đón tiếp các đoàn khách hành hương khắp năm châu đến tham quan, chiêm bái và là điểm dừng chân của Phật tử Việt Nam mỗi lần hành hướng đến thánh địa Lâm Tỳ Ni…

Theo dấu chân hồng hạc - Những điều chưa kể về Thầy Huyền Diệu
Trong những chuyến hành hương đầu năm về đất Phật - Ấn Độ và Nepal, bất kỳ người Việt Nam nào cũng đều dành thời gian ghé thăm An Việt Nam Phật Quốc Tự - ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật, ngôi chùa giản dị, ẩn mình giữa màu xanh của thiên nhiên. Một câu chuyện đầu năm, chúng tôi muốn chuyển đến quý vị và các bạn là hành trình không mệt mỏi nhưng cũng đầy nhân duyên để xây dựng 2 ngôi chùa này của Hòa thượng trụ trì, Thầy Huyền Diệu. Thầy cũng là Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Lumbini - Nepal và có những đóng góp to lớn tại đất nước này. Trân trọng mời quý vị và các bạn theo dõi.

Các bài báo về Việt nam Phật quốc Tự - Nepal

Mô tả tin tức

Video

Dưới đây là video về An Việt Nam Phật Quốc Tự Nepal

  • Địa chỉ

    P.O. Box 4. Siddhartha Nagar (Bhairahawa), Lumbini Zone, Nepal
  • Email

    honghacanvui@gmail.com
  • Liên hệ

    Tel: +977 (71) 580 178; (71) 580 160; 980 693 2895 Fax:+977 (71) 580 159
    Thứ 2 đến Thứ 6 9h sáng - 7h tối
Cuộc đời thầy

Cuộc đời thầy

Nguồn cảm hứng cho thế hệ tiếp theo
Thư viện sách

Thư viện sách

Những cuốn sách Thầy viêt
Mật pháp cho cuộc sống

Mật pháp cho cuộc sống

Những chia sẻ về mật pháp của thầy
Video về thầy

Video về thầy

Những video về thầy
Hỏi đáp với Thầy

Hỏi đáp với Thầy

Tìm kiếm điểm tựa nơi tâm linh
Sống Đẹp

Sống Đẹp

Câu chuyện của những tấm gương