An Việt Nam
Phật Quốc Tự Ấn Độ

An Việt Nam Phật Quốc Tự Ấn Độ

Ngôi chùa Việt Nam đầu tiên ở Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng)

img

An Việt Nam Phật Quốc tự (Vietnam Bouddha Bhumi Vihara) là một ngôi chùa Việt Nam đầu tiên ở Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), Ấn Độ - mảnh đất này là một trong bốn thánh tích quan trọng nhất của Phật giáo thế giới: Bồ đề Đạo tràng, là nơi đức Phật giác ngộ; Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật đản sinh; Vườn Lộc Uyển, nơi đức Phật giảng pháp lần đầu và Câu Thi Na, nơi Ngài nhập niết bàn.

An Việt Nam Phật Quốc tự  do hòa thượng Huyền Diệu khởi tâm xây dựng. Năm 1969, lần đầu tiên Thầy được đặt chân đến Bodh Gaya tức Bồ Đề Đạo Tràng, một thành phố ở quận Gaya, Bihar, Ấn Độ. Trong lòng Thầy chứa nhiều cảm xúc trước vùng đất linh thiêng sau mấy thế kỷ bị những biến cố cực đoan hủy diệt gần hết những di sản quý báu. Thời điểm đó, nhiều nước - đặc biệt là các nước châu Á, đang tích cực góp sức gìn giữ hồi sinh những di sản vô giá của nhân loại nơi đây nhưng Thầy thấy nao lòng khi Việt Nam, một đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời lại không có một ngôi chùa trên quê hương của Phật.

Kể từ đó trong lòng Thầy chỉ có một nguyện vọng tha thiết là xây dựng một ngôi chùa tại Bồ Đề Đạo Tràng để những người Việt mỗi khi đến chiêm bái thánh địa này có nơi trang nghiêm thanh tịnh dừng chân tu tập. Mặt khác, Thầy cũng muốn giới thiệu giá trị văn hóa Việt Nam tới cộng đồng Phật giáo các nước tại Ấn Độ. Khát vọng luôn thường trực trong những năm tháng cực kỳ khó khăn nơi đất khách. Thầy chắt chiu từng đồng tiền làm thêm bằng việc dạy học để mong biến ước mơ thành sự thực.

Cơ duyên đã đến, tháng 5/1987, Thầy dành toàn bộ số tiền tích góp được cùng với sự giúp đỡ của bạn bè ở nhiều nơi trên thế giới để mua một miếng đất tại Bồ Đề Đạo Tràng và làm lễ đặt viên đá đầu tiên cho ngôi chùa An Việt Nam Phật Quốc Tự  vào ngày 24 tháng 5 năm 1987 và chùa được khánh thành vào năm 2003. Đó cũng chính là dấu mốc cho sự ra đời của ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật. Thời điểm đó khó khăn chồng chất khó khăn, khi đã mua được đất nhưng Thầy không còn kinh phí để xây chùa. Vay mượn tiền bạn bè mỗi người một chút, Thầy lập một túp lều nhỏ tại đây để hàng ngày khai hoang đất. Thế rồi từng ngày, từng tháng bền bỉ, Thầy đón nhận sự trợ giúp tích cực từ những tấm lòng hướng về Phật pháp để làm nên công trình mà giờ đây những ai có duyên đến thăm không thể không tự hào và cảm động, tri ân công đức của Thầy.

Tọa lạc trên một khu đất rộng hơn 4 ha, giữa những ruộng đất bao la, cách Bồ đề Đạo tràng và khu thị tứ 2 km về phía Tây Nam, An Việt Nam Phật Quốc Tự có kiến trúc theo phong cách chùa Việt Nam với cổng tam quan, mái cong. Chùa do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng lên thiết kế – Ông từng học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và được biết đến qua một số công trình kiến trúc quy mô ở Việt Nam cùng những tác phẩm nghiên cứu về kiến trúc cổ truyền Việt Nam.

Chính điện

 

Chính điện thờ Phật được bài trí trang nghiêm. Hương án giữa tôn thờ Phật Tam Thế. Bàn hai bên thờ Bồ tát Quán Thế Âm Thiên thủ Thiên nhãn và Bồ tát Địa Tạng. Các pho tượng thờ đều được tạc bằng gỗ tại Việt Nam. Phía sau chính điện là hậu Tổ, tôn thờ các vị Thánh đệ tử và các vị Thánh Tăng Việt Nam qua các triều đại. Đối diện với bàn thờ Tổ là bàn tưởng niệm các vị anh linh tổ quốc Việt Nam.

Tháp Vạn Phật

Tháp vạn phật

Tháp Vạn Phật nằm ở vị trí phía trước bên trái của chính điện, với bán kính là 12m (tổng chiều cao là 22m, chia đều cho 7 tầng). Tầng cao nhất tôn trí xá lợi Phật Thích Ca và bên ngoài tháp được trang trí bằng 10.000 tượng Phật bằng đất nung.

Tháp Đại Hồng Chung

Lầu chuông

Tổng diện tích của Tháp to gấp bốn lần, và cấu trúc hoàn toàn giống chùa Một cột ở Hà Nội, Việt Nam; gồm có đại hồng chuông, nặng 2 tấn rưỡi, với bán kính 1,50m và chiều cao là 2,60m; trống sấm có bán kính là 1m và chiều dài là 1,50m, tất cả đều được làm từ trong nước, mang nét đặt thù của dân tộc.

Vào thời điểm chùa đang xây dựng, một số thân hữu của Thầy trong các tổ chức ở Nhật Bản và Hàn Quốc muốn tặng An Việt Nam Phật Quốc Tự quả Đại Hồng Chung, thế nhưng Thầy đã từ chối. Trong suy nghĩ của Thầy, chiếc chuông của ngôi chùa Việt Nam phải được đúc từ Việt Nam, bằng chất liệu đồng của Việt Nam và do chính những người thợ Việt Nam thực hiện mới linh thiêng và có ý nghĩa. Trong lần đầu tiên về nước sau hàng chục năm xa cách, Thầy đã tìm gặp một người thợ gốc Phường Đúc ở Huế để đặt làm chiếc chuông. Hiện nay nhà chùa đã có Đại Hồng Chung nặng hai tấn rưỡi, đường kính 1,5m và chiều cao 3m bên cạnh chiếc trống sấm đường kính 2m và dài 1,5m. Cả hai đều mang đậm nét văn hóa đặc thù của Việt Nam.  

Pháp xá

Gồm 2 dãy pháp xá, dãy pháp xá thứ nhất được xây dựng dọc của khu đất với chiều dài là 47m, gồm có 3 tầng và 21 phòng, (1 phòng bố trí cho 3 người ở); dãy pháp xá thứ 2 được xây dựng theo chiều ngang, với chiều dài 49m, gồm 2 tầng, 1 tầng hầm, chiều ngang 16m, gồm có tất cả là 13 phòng, trong đó một nhà ăn (8 x 12)m có thể để được 3 dãy quá đường.

Các công trình kiến trúc của chùa đều đẹp và tôn nghiêm, từng chi tiết đều mang ý nghĩa Phật pháp và thể hiện tâm thức Việt Nam.

Khu vườn

Cây ăn trái: vải, măng cụt, mít, táo, cam, bưởi, xoài (gồm có 30 loại khác nhau), ổi xá lị (có 12 loại),...

Cây cảnh:

Hoa: đào, mai vàng, mai trước thuỷ, lan, sứ, thiên lý...;

Cây cảnh: Tùng, trắc bá diệp, sao, thông, tre, tầm vong, trúc, cau, ngâu, phượng vĩ, điệp tây,...

Chùa cũng trồng nhiều loại cây cỏ có sự liên quan đến đời sống đức Phật như cây sê-sam, cây long hoa, cây cỏ cát tường …

Theo lời thầy Huyền Diệu, ngôi chùa Việt Nam nằm cách xa trung tâm và ẩn mình trong một không gian yên tĩnh. Tuy nhỏ nhắn so với rất nhiều ngôi chùa có quy mô của các nước bạn, song chùa Việt Nam mang một nét riêng: cao nhất trong quần thể các ngôi chùa ở Bồ Đề Đạo Tràng. Đây cũng chính là ý tưởng chủ đạo của Thầy khi xây dựng ngôi chùa, diễn tả khát vọng vươn lên bền bỉ của con người Việt Nam để đạt được hạnh phúc trong cuộc sống.

Ngôi chùa An Việt Nam Phật Quốc Tự mang đậm bản sắc của quê hương Việt Nam với nhiều cây cao bóng mát, không gian yên tĩnh cùng với tiếng chim hót ríu rít mỗi buổi bình minh rất thích hợp cho việc tu tập và thiền định. Bên trong chùa, dọc theo những con đường nhỏ quanh co uốn lượn là các loại cây ăn trái của vùng nhiệt đới rất quen thuộc với người Việt như vải, mít, táo, cam, chanh, bưởi, xoài, ổi xá lị… Phía trước chánh điện và hai dãy phòng Pháp xá của chùa có trồng nhiều loại cây cảnh được mang giống từ quê nhà sang như đào, mai vàng, mai chiếu thuỷ, lan, sứ, thiên lý…

Điểm độc đáo của An Việt Nam Phật Quốc Tự là hậu tổ phía sau chánh điện có bàn thờ tưởng niệm anh linh các vị anh hùng Tổ quốc Việt Nam. Thầy quan niệm rằng, một đất nước muốn được hưng thịnh và tiến bộ thì tất cả mọi công dân đều phải đặt Tổ quốc và quyền lợi của dân tộc lên hàng đầu. Đó chính là ý nghĩa của tên gọi được đặt cho ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật.

Từ thiết kế đến thi công ngôi chùa, cho đến tượng pháp  đều do bàn tay khéo léo của những nghệ nhân từ Việt Nam thực hiện. Sau 16 năm trời đằng đẵng xây dựng, trải qua mọi gian lao khổ cực, bao nhiêu lượt thợ đến rồi đi, đầu năm 2003, lễ khánh thành An Việt Nam Phật Quốc Tự được tiến hành trong niềm vui lớn lao của tăng, ni, phật tử nói chung và người Việt Nam nói riêng. Ngôi chùa mang tên Việt Nam chính thức góp mặt ở vùng linh địa Bodh Gaya. Ngôi chùa này đã 4 lần đổi tên và nay mang tên An Việt Nam Phật Quốc Tự với những ý nghĩa trọn vẹn. Các công trình kiến trúc của chùa đều đẹp và tôn nghiêm, từng chi tiết đều mang ý nghĩa Phật pháp và thể hiện tâm thức Việt Nam.

Việt Nam Phật Quốc Tự ngày nay là điểm tham quan, chiêm bái nổi tiếng ở đất Phật. Hằng ngày, chùa đón tiếp nhiều đoàn hành hương khắp nơi trên thế giới.

Theo dấu chân hồng hạc - Những điều chưa kể về Thầy Huyền Diệu
Trong những chuyến hành hương đầu năm về đất Phật - Ấn Độ và Nepal, bất kỳ người Việt Nam nào cũng đều dành thời gian ghé thăm An Việt Nam Phật Quốc Tự - ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật, ngôi chùa giản dị, ẩn mình giữa màu xanh của thiên nhiên. Một câu chuyện đầu năm, chúng tôi muốn chuyển đến quý vị và các bạn là hành trình không mệt mỏi nhưng cũng đầy nhân duyên để xây dựng 2 ngôi chùa này của Hòa thượng trụ trì, Thầy Huyền Diệu. Thầy cũng là Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Lumbini - Nepal và có những đóng góp to lớn tại đất nước này. Trân trọng mời quý vị và các bạn theo dõi.

Video

Về An Việt Nam Phật Quốc Tự Ấn Độ

  • Địa chỉ

    Viet Nam Temple, Sujata bypass road, Bhagalpur, Bodhgaya, Gaya, Bihar, India. PC: 824231
  • Email

    honghacanvui@gmail.com
  • Liên hệ

    Thầy Huệ Sơn : +16159381556
    Thứ 2 đến Thứ 6 9h sáng - 7h tối
Cuộc đời thầy

Cuộc đời thầy

Nguồn cảm hứng cho thế hệ tiếp theo
Thư viện sách

Thư viện sách

Những cuốn sách Thầy viêt
Mật pháp cho cuộc sống

Mật pháp cho cuộc sống

Những chia sẻ về mật pháp của thầy
Video về thầy

Video về thầy

Những video về thầy
Hỏi đáp với Thầy

Hỏi đáp với Thầy

Tìm kiếm điểm tựa nơi tâm linh
Sống Đẹp

Sống Đẹp

Câu chuyện của những tấm gương