AN GIANG - Giữa trưa, ông Long chất đá, dầu hỏa và đồ nghề lên xe đạp cũ, nặng nề đạp từng vòng tới ổ gà vừa phát hiện sáng nay.

"Không ăn cơm trưa hả bác Long", tiếng một thanh niên chạy xe máy ngang qua hỏi. "Nắng to như này mới làm được chứ mày", ông Long cười đáp. Khi đó là hơn 11 giờ trưa.

6 năm rồi ông Cao Văn Long, 77 tuổi, phường Mỹ Xuyên, thành phố Long Xuyên, An Giang lấy công việc vá đường làm niềm vui. "Nhiều người nói việc này để Nhà nước lo, nhưng tui nghĩ hư một ít mình sửa ngay thì xài bền, để nó hư nhiều thì khó sửa lắm", mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt nhăn nheo, ông nói.

Ông Long vá ổ gà đường Nguyễn Văn Linh trưa ngày 17/10. Ảnh: Phan Diệp.

Vợ chồng ông vốn sống bằng nghề nông, nuôi 3 người con khôn lớn. Năm 2013, con hẻm nhỏ trước nhà ông hư hỏng nặng, khiến việc đi lại khó khăn. Tình cờ ngang qua một công trình đang sửa chữa, thấy công nhân ủi bỏ phần bê tông nhựa đường cũ, ông xin về để trám lại những ổ gà trong hẻm. 

Mất cả tháng, ông Long mới làm xong con hẻm nhà mình. Từ bấy, ông nghỉ luôn việc đồng áng, chuyên tâm vào việc vá các ổ gà, ổ voi trong thành phố. Đến nay hàng trăm con đường lớn nhỏ trong thành phố đều có những vết vá của ông. 

Dừng xe tại một ngã tư có 3 ổ gà to, ông Long khệ nệ nhấc từng bao đá xuống. Đầu tiên ông cạo sạch ổ gà, sau đó dùng khăn cũ thấm khô, "bởi nếu ẩm nhựa sẽ không dính".

Tiếp đến ông tráng một lớp dầu hỏa, rồi đổ đá. Vừa dàn đều, ông vừa đập đá cho chắc. "Hỗn hợp nhựa đường, đá, dầu hỏa gặp trời nắng to dễ dính lại vào nhau, tui nén sơ, xe chạy qua chạy lại vài lần là chặt thôi", ông thở phào khi vừa vá xong một chỗ. 

"Làm giữa trưa vừa nắng to lại vừa ít xe cộ nên an toàn hơn. Người ta nhìn qua cũng biết tui đang làm đường nên tránh, chỉ sợ những người say xỉn thôi. Nhưng mấy năm nay tui may mắn chưa bị gì", ông cười móm mém.

Ông Long 77 tuổi, đã làm việc vá đường 6 năm nay. Ảnh: Phan Diệp.

Hằng ngày, sau khi thức dậy ăn sáng, uống cà phê với con trai, ông đạp xe quanh khu vực mình sống "săn lùng" những cái ổ gà, áng chừng sẽ tốn bao nhiêu bao đá để về chuẩn bị. 

Song song đó, ông đi tìm kiếm vật liệu về chia sẵn trong những chiếc bao nhỏ. Hiên nhà ông tích trữ gần một tấn đá. "Qua năm, trời nắng ráo là tui vá suốt mùa luôn", ông hào hứng nói. Vá đường phải làm ngày nắng, hiện tại là mùa mưa, nên một tuần cố lắm, ông Long chỉ đi được 2-3 buổi.

Năm ngoái, phát hiện trên dốc cầu có hai ổ gà lớn, nhưng cầu nhỏ, xe quá đông, ông quyết định xách đồ nghề đến vá lúc 2 giờ sáng. Mất 3 đêm mới xong. "Vừa làm vừa phải coi chừng tránh đám thanh niên đi chơi về khuya chạy ẩu", ông nhớ lại. 

Vá xong đường, ông Long vẫn chưa hết lo. Những ngày sau đó, ông thường quay lại kiểm tra xem đã ổn chưa, nếu bị bong tróc, ông lập tức "trùng tu". 

Ban đầu, gia đình rất lo lắng cho sức khỏe và sự an toàn của ông, khuyên từ bỏ công việc này. Ông Long nói với vợ con: "Cả đời cha đã làm việc, nuôi các con trưởng thành nhưng cha thấy mình chưa làm gì có ích cho xã hội, các con để cha làm". Nghe vậy, vợ con ông dần thuận theo. 

"Ông Long được xem là người duy nhất trên địa bàn phường thực hiện công việc vá đường, không lấy đồng công nào", ông Trương Văn Chiêm, Chủ tịch UBND phường Mỹ Xuyên, thành phố Long Xuyên, An Giang chia sẻ. Tháng 1/2019, ông Long nhận được thư cám ơn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc này.

Phần nhựa đường cũ gồm đá và nhựa kết thành từng mảng lớn rất cứng, ông Long phải đập nhỏ để lấy lớp nhựa cũ còn bám quanh viên đá. Sau đó, ông trộn với dầu hỏa để nhựa chảy ra, rồi chia thành nhiều bao nhỏ dùng dần. Ảnh: Phan Diệp.

Điều lão nông nhận lại sau ngần ấy năm vá đường là những chai nước mát lạnh giữa trưa nắng, hay những chiếc áo mưa mỗi khi có cơn giông bất chợt từ những người đi đường.

Gần 1h chiều, mặt trời đứng bóng, chiếc áo sờn ướt đẫm mồ hôi cũng là lúc ông Long vừa vá xong 3 cái ổ gà ở ngã tư. Kẹp chiếc bao rỗng vào xe, ông cho tay vào can dầu hỏa rửa trôi lớp nhựa bám trên tay, rồi đạp xe về.

Ngược chiều gió, ông ráng gồng mình dù trên xe không còn bao đá nào. Hơn tháng nay ông thấy mình yếu hơn, lên dốc khó khăn hay mỗi lúc đập mảng bê tông cũng thấy chật vật. "Nhưng còn đi được thì còn làm đặng giúp bà con", ông thở hổn hển nói.

Phan Diệp