[Video cuối bài] Kinh Phổ Môn, đức Phật dạy về hạnh nguyện cứu khổ cứu nạn cho tất cả chúng sinh của đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Khi gặp khổ nạn, nhất tâm xưng niệm danh hiệu Đức Bồ Tát Quán Thế Âm thì Ngài sẽ hướng theo âm thanh cầu cứu đó mà giải cứu khổ nạn cho

Tên gọi thông thường của bài kinh này là Phẩm Phổ Môn, Kinh Phổ Môn hay Kinh Quán Thế Âm và gọi đủ là Quan Thế Âm Bồ tát Phổ Môn Phẩm. Đây là bài kinh nói về hạnh nguyện độ sanh của Bồ tát Quan Thế Âm, và thông qua đó, giới thiệu cách “quán chiếu” cuộc đời để đạt được giác ngộ và giải thoát như phương pháp tu tập phổ biến và có hiệu quả trong cõi Ta bà.

Cũng như cách bố cục truyền thống, khoá lễ tụng Kinh Phổ Môn gồm ba phần:

Phần thứ nhất là nghi thức dẫn nhập, bao gồm 5 tiết mục như nguyện hương, đảnh lễ ba ngôi báu, tán hương, phát nguyện trì kinh và tán dương giáo pháp.

Phần thứ hai là phần chính kinh, giới thiệu về hạnh nguyện độ sanh của Bồ-tát Quan Thế Âm.

Phần thứ ba là phần sám nguyện và hồi hướng, bắt đầu bằng bài kinh ngắn: Bát Nhã Tâm Kinh. Bát Nhã Tâm Kinh giúp người tụng đọc diệt trừ tất cả các khổ đau trong cuộc đời bằng phương pháp quán chiếu năm yếu tố hình thành nên con người. Kế đến là mười hai lời nguyện của Bồ Tát Quan Thế Âm, giúp cho người tu học hiểu rõ hơn về bản nguyện cứu thế độ sinh của vị Bồ Tát nổi tiếng về lòng từ bi này. Các mục còn lại trong phần này là niệm Phật, đọc sám nguyện, hồi hướng công đức, phục nguyện và nương tựa ba ngôi báu.

Nội dung Kinh Phổ Môn

Nội dung chính của Kinh bao gồm ba phần: Thần lực trì danh Quan Âm; Cứu thế độ sinh qua 33 ứng thân; Phương pháp ngũ âm và ngũ quán. Thần lực độ sinh nhiệm mầu của Bồ Tát Quan Thế Âm được giới thiệu là sự tương giao nhân quả giữa chúng sinh và Bồ-tát. Đức Quan Thế Âm sở dĩ được tôn xưng với danh hiệu này là vì Ngài là vị Bồ-tát luôn luôn ban niềm vui vô úy thí cho tất cả chúng sinh đang chịu nhiều đau khổ trong đời, từ thiên tai, hoả hoạn, lũ lụt, cho đến nạn vua quan và giặc cướp, và thậm chí ngài còn là điểm tựa tinh thần cho quá trình con người phàm phu tu học nuôi dưỡng ngọn đuốc trí tuệ, trở thành bậc Thánh như Ngài Kinh Phổ Môn mang ý nghĩa ẩn dụ rất cao, khi đọc Kinh không nên chấp chữ quên ý. Không phải khi tụng Kinh thì cầu gì được nấy, Bồ-tát không phải là một vị thần linh ban phúc, cứu nguy, mục tiêu của Kinh không phải là cầu nguyện để van xin. Phương pháp tu tập quán chiếu cuộc đời mới chính là cốt lõi của Kinh. Nhờ quán chiếu cuộc đời theo phương thức duyên khởi và vô ngã, người tu học trì tụng, tự độ thoát chính mình khỏi các đau khổ.

Kinh Phổ Môn còn nói lên tình thương bao la của một vị bồ-tát qua phương pháp độ sinh với 33 ứng thân khác nhau, phù hợp với căn cơ và đối tượng của người tu tập. Hình ảnh 33 ứng thân gợi cho chúng ta tinh thần nhập thế đa dạng của vị Bồ-tát vì sự nghiệp duy nhất là đem lại an lạc và hạnh phúc cho chúng sinh. Muốn độ sinh có hiệu quả, người hành đạo phải hiểu rõ tâm lý và hành vi của đối tượng. Ở đây không có một vị Bồ-tát Quán Thế Âm thật để cứu độ chúng ta theo phương thức cầu gì được nấy. Bởi vì điều này trái với quy luật nhân quả và nghiệp báo mà đức Phật đã giảng dạy.

Kinh Phổ Môn chỉ ra năm loại âm thanh hiện hữu trong cuộc đời, đó là, tiếng nhiệm mầu (Diệu Âm), tiếng quán chiếu cuộc đời (Quán thế Âm), tiếng thanh tịnh (Phạm Âm), tiếng sóng vỗ (Hải triều Âm) và tiếng siêu việt thế gian (Siêu việt thế gian Âm). Đối lại năm âm thanh này là năm pháp quán chiếu hay thiền định: quán chân thật (Chân quán), quán thanh tịnh (Thanh tịnh quán), quán trí tuệ rộng lớn (Quảng đại trí tuệ quán), quán cứu khổ (Bi quán) và quán ban tình thương (Từ quán). Chính nhờ nương vào năm pháp quán chiếu này, người tu học tự giải thoát chính mình ra khỏi mọi khổ ách của cuộc đời. Khi tu tập 5 pháp quán đó mỗi chúng ta là một Bồ-tát Quán Thế Âm cứu chính chúng ta và tha nhân ra khỏi nhà lửa của khổ đau và bất hạnh.

Cách tụng niệm Kinh Phổ Môn

Từng câu chữ trong Kinh Phổ Môn có nghĩa lý rất thâm sâu và vi diệu, mang tính ẩn dụ rất cao, đọc qua một hai lần không thể nào chúng ta hiểu rõ được. Do đó, khi tụng kinh, chúng ta phải hết lòng thành kính. Phải có tâm tha thiết trân quý từng câu chữ. Trước khi tụng Kinh Phổ Môn, ta nên rửa tay, súc miệng cho sạch sẽ và y phục phải trang nghiêm. Khi ngồi, đứng phải giữ thân cho ngay thẳng. Lúc lạy hay quỳ phải giữ thân đoan nghiêm. Miệng tụng đọc âm thanh vừa đủ nghe. Điều quan trọng khi tụng Kinh Phổ Môn là phải thể nhập được những ý nghĩa trong Kinh và ứng dụng, thực hành trong đời sống. Đọc, tụng Kinh Phổ Môn không chỉ để được Bồ-tát Quan Thế Âm gia hộ, mà quan trọng hơn, chúng ta nên để tâm đến phương pháp “quán chiếu cuộc đời” và phương thức “sống không sợ hãi” của vị Bồ-tát nổi tiếng dung hòa và song hành giữa tình thương và trí tuệ, để an lạc và thảnh thơi của mình và tha nhân được tạo lập ngay từ hiện kiếp.