Tốt nghiệp thạc sĩ ngân hàng, nhiều năm làm việc lương cao tại một ngân hàng lớn, Nguyễn Hồng Vân, 31 tuổi, đã thôi việc để tìm hướng đi mới, lối sống mới, tối giản về vật chất, tư duy, giúp cô hạnh phúc hơn:
Nhiều người nghĩ sống tối giản là sống tiết kiệm. Câu trả lời là đúng và không đúng. Cụ thể hơn, những người sống tối giản rất tiết kiệm với những thứ không cần thiết trong cuộc sống của họ hay không đem lại hạnh phúc cho họ, nhưng lại rất hào phóng với những thứ thực sự mang lại giá trị cho cuộc sống của họ. Họ có thể cân nhắc rất lâu khi mua một cái quần, cái áo, nhưng sẵn sàng chi cả vài chục triệu cho một trải nghiệm chỉ trong vài phút, một chuyến du lịch, một khóa học... Tôi đang suy nghĩ và hành động như vậy.
Khi ở độ tuổi 20, tôi vô cùng thích mua sắm. Không đam mê, không mục đích sống rõ ràng, hạnh phúc cũng chỉ xuất hiện mỗi khi tôi có món đồ mới và qua đi chóng vánh.
Con đường trở thành người tối giản không chỉ về vật chất mà cả trong suy nghĩ đối với tôi như một cuộc cách mạng về tư duy và cũng như bất cứ cuộc cách mạng nào, nó mất rất nhiều năm.
Vào năm 22 tuổi, có một thời điểm tôi cảm thấy vô cùng lạc lõng, chán nản với tất cả mọi thứ xung quanh. Cũng vào lúc đó, tôi tình cờ đọc được một bài báo về một thanh niên Hà Nội du học Singapore về, từ chối công việc thu nhập cao ở thủ đô để lên vùng núi Sapa, dạy tiếng Anh cho trẻ. Tôi tự hỏi vì sao lại có những người can đảm đến thế.
Đang làm cho một công ty chứng nhận và giám định ISO, tôi viết đơn thôi việc, xách balo lên Sapa tìm anh. Khi gặp, anh ấy nói vì thấy các em nhỏ khổ quá, muốn làm điều gì đó cho các em, chứ không phải điều gì lớn lao như tôi suy luận. Tôi ở lại đây một tháng dạy tiếng Anh cho lũ trẻ, ngoài ra đi hội chợ bán cà phê lấy quỹ giúp các em.
Đó là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm hạnh phúc đến ứa nước mắt khi được tự do chìm đắm trong thiên nhiên hùng vĩ, được cảm nhận những ấm áp, hạnh phúc giản dị ngay trong sự thiếu thốn - mà mua sắm không hề mang lại - và biết rằng thế giới rộng lớn biết bao, còn mình nhỏ bé mức nào.
Trong rất nhiều sự chuyển biến về nhận thức, việc hiểu ra tiền chỉ là công cụ, không phải là đích đến hay hạnh phúc gần như đã giải phóng tôi khỏi những quan niệm trói buộc mình - như có tiền mới hạnh phúc, đánh giá sự thành công của một người dựa trên tài sản, cho rằng bản thân đã hiểu biết đủ, không biết rõ tiềm năng của bản thân, không biết rõ mục đích sống.
Tôi bắt đầu đi du lịch một mình đến các nước để bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, trải nghiệm tất cả những điều trước đó tôi cho là "không thể làm được". Vốn rất sợ nước nên tôi chưa bao giờ biết bơi. Nhưng vì ước mơ được thử lướt ván một lần mà tôi tự đẩy mình ra chỗ sâu nhất, dìm mình xuống bể bơi. Tôi đã bơi được sau 5 ngày uống no nước.
Tôi cũng loại bỏ được ám ảnh từ trong tiềm thức vì từ bé đã học dốt tiếng Anh, người yêu cũ còn bảo "em đi học làm gì tốn tiền, em không có năng khiếu ngoại ngữ đâu". Đến giờ, tôi trở thành cô giáo dạy tiếng Anh.
Trong cuộc sống tôi dần vứt bỏ những món đồ ít hoặc không dùng đến, những đồ đạc tích trữ trong nhà. Có lần quyên đồ đi từ thiện, riêng quần áo của tôi đã có hai tải. Việc tối giản giúp tôi chỉ mất 30 phút cuối tuần để dọn dẹp nhà cửa. Tôi cũng tối giản trong các mối quan hệ, đầu tư vào những người thân yêu, những người bạn tốt và giỏi, học được cách hoạch định tài chính.
Tối giản thực sự ảnh hưởng lớn đến cuộc sống tôi. Ba năm trước, tôi vay vốn làm homestay tối giản ở Hà Nội, với mong muốn truyền cảm hứng về lối sống này tới cho mọi người: "Giảm bớt đi những điều không cần thiết để chào đón những điều thực sự có ý nghĩa và mang lại hạnh phúc". Đến giờ, homestay đã tự vận hành mà không cần đến sự có mặt của tôi nữa.
Hơn một năm trước, khi đã hết đam mê với công việc ở ngân hàng, tôi đi đến quyết định thôi việc nơi đã gắn bó 4 năm, để làm các công việc mình thích như tư vấn set up các homestay, đầu tư vào phòng gym, spa, kiếm tiền qua kênh thuê và cho thuê nhà, kinh doanh bất động sản, mua bán trong thị trường tiền tệ và thỉnh thoảng dạy tiếng Anh.
Công việc linh động nên tôi có rất nhiều thời gian cho gia đình, bản thân. Hàng ngày tôi chỉ tập trung khoảng một tiếng cho công việc, còn lại là thời gian thiền, tập thể dục, uống trà sáng, đọc sách, chăm sóc cơ thể, nấu ăn, học các bộ môn mới và gặp gỡ những người giỏi..., những thứ mang lại cho tôi hạnh phúc.
Tất cả những thứ tôi đang làm đều là thứ mình muốn làm nên không có cảm giác "phải" làm việc nữa.
Với thu nhập hiện tại 50-70 triệu đồng/tháng (đa phần là thu nhập thụ động, tức là không phải đi làm hàng ngày mà vẫn kiếm được), tôi đặt mục tiêu sẽ có thu nhập thụ động 200 triệu/tháng - con số đủ để tôi sống cuộc sống thoải mái như du lịch mỗi tháng một lần, giúp đỡ người thân, giúp đỡ cộng đồng và làm từ thiện...
Để thực hiện mục tiêu này, tôi tuân thủ triệt để một số nguyên tắc sau:
- Mua những thứ cần, không phải thứ muốn: Mỗi khi định mua một món đồ, tôi thường hỏi mình 2 câu hỏi: Mình có thực sự cần món đồ này không hay mình chỉ thích nó thôi? Mình có dùng nó hàng ngày không? Trước đây tôi đua theo hàng hiệu, tràn lan, giờ ít khi mua những chiếc áo trên một triệu đồng nữa, nhưng vẫn tuân thủ việc mua "ít mà chất".
- Tích lũy một, tạo mới 10: Nếu đang nghĩ về việc tích lũy tiền bạc thì có lẽ bạn cũng chưa thoải mái về tài chính và có lẽ cũng chưa nhiều tiền. Vậy thì nếu nghĩ về tích lũy một thì hãy nghĩ gấp 10 lần về việc làm sao tạo được thêm thu nhập. Tôi tập trung vào tạo dựng thu nhập thụ động chứ không phải chủ động. Điều này cho phép tôi có thời gian tận hưởng cuộc sống mà vẫn kiếm ra tiền.
- Một tách cafe không làm bạn nghèo đi hay giàu lên: Việc tiết kiệm là tốt nhưng tiết kiệm thái quá khiến cho cuộc sống trở nên khổ sở. Việc cắt bỏ những điều này không làm bạn giàu lên mà chỉ làm bạn có cảm giác bần cùng.
- Sống là để tận hưởng: Bất cứ giai đoạn nào hay thời điểm nào trong cuộc sống, tôi cũng tìm ra những cách tận hưởng cuộc sống phù hợp, lâu lâu thưởng cho mình những chuyến đi, dịch vụ sang trọng hay mua thứ gì đó tôi thích.
- Quan điểm về nghỉ hưu sớm và tiết kiệm hưu trí: Tôi thường xuyên nghe những câu như "Tôi cũng muốn nghỉ việc lắm nhưng nghỉ thì không biết làm gì", "Ôi em năng động mới làm được chứ chị thì chịu", "Đi làm đủ năm để được lương hưu"... Tôi thì không muốn bám lấy công việc mình không thích để nhận lấy đồng lương hưu ít ỏi. Khi nghỉ việc theo đuổi đam mê, tôi nhận được nhiều thứ, bên cạnh tiền bạc.
Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, hay nói chính xác hơn là khi tư duy của chúng ta thay đổi. Tôi rất thích một câu nói của Henry Ford: "Nếu bạn nghĩ bạn có thể làm được hay không thể làm được, bạn đều đúng".
Vì vậy, cho dù mục tiêu của bạn đang là gì, nếu muốn đạt được, bạn phải có một tư duy đúng đắn trước. Sau đó bạn phải lên kế hoạch và quan trọng nhất là phải bắt tay hành động.
Hồng Vân
Vnexpress
Bình luận